Đường dây nóng: 0218 3909 192
26/08/2022 13:28:35
Câu truyện Tây Tiến

Phần một: HÀNH ĐỘNG CAO CẢ, THIÊNG LIÊNG VÀ ĐỘC ĐÁO

 

Đó là một hành động cao cả về tình quân - dân, thiêng liêng và độc đáo vì chưa nghe đâu nói, chưa thấy ai làm!

 

Tôi xin kể lại câu chuyện đó.

 

Trước khi vào chuyện, xin được tóm tắt vài nét về Tây Tiến: Từ cuối năm 1945 đã có những phân đội tây tiến để bảo vệ một miền đất hiểm yếu và có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng ở “miền Việt Tây”. Ngày 27/2/ 1947, theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung đoàn Tây Tiến (mang số hiệu 52) đã được thành lập. Ngay sau khi thành lập Trung đoàn Tây Tiến đã chiến đấu hết sức ngoan cường, anh dũng trong sự đùm bọc, yêu thương của nhân dân miền Tây Bắc Tổ quốc. Trong thời gian đó, Trung đoàn Tây Tiến đã chịu đựng vô vàn những khó khăn gian khổ. Theo bài viết của Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: Chỉ riêng trạm quân y ở xã Châu Trang, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình từ 1947-1949 đã có hơn 200 cán bộ, chiến sỹ hy sinh mà chủ yếu vì bị sốt rét và vì bị thiếu ăn. Vượt qua tất cả, bộ đội Tây Tiến đã viết nên những chiến công hiển hách mà bao nhiêu bản nhạc, bài thơ, bức họa, phù điêu, tượng đài...mặc dù đã là rất hay, rất đẹp, nhưng vẫn chưa khắc họa nổi, chưa nói hết được.

Tây Tiến (ảnh lấy từ internet).

                               Bộ đội Tây Tiến (ảnh lấy từ internet).

 …Một buổi tối cuối đông năm 2018, tại Hòa Bình tôi được CCB.BS.Nguyễn Văn Thỏa (Như Tâm) - Nguyên là Phó trưởng phòng Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình -  kể cho nghe những mẩu chuyện về Tây Tiến. Nhiều câu chuyện rất hay và cảm động. Anh Thỏa kể: “Tại cuộc giao lưu với bộ đội Tây Tiến, Đại tá trần Kỳ - CCB Tây Tiến- đã có nói về tình cảm thương yêu sâu nặng, sự đùm bọc như ruột thịt, sự cưu mang cao cả của người dân Hòa Bình với bộ đội Tây Tiến. Nhà báo Nguyễn Phú Cương đã viết và đăng trên báo Thể thao & Văn hóa (số ra ngày 27/7/2015) câu chuyện có một người phụ nữ dân tộc đã cứu một bộ đội Tây Tiến đang bị đói lả, sống lại được bằng cách trực tiếp vắt sữa từ bầu vú của mình cho đồng chí bộ đội đó…”. Nghe đến đấy, mắt tôi rực sáng, chăm chú hết sức để lắng nghe anh Thỏa nói về hành động này.

 

Chia tay anh Thỏa, đêm hôm đó (16/3/2018), tại Công viên Di sản các Nhà khoa học Việt Nam ở Cao Phong - Hòa Bình, tôi đã vào mạng tìm được bài báo của Nhà báo Nguyễn Phú Cương để đọc cho rõ tình tiết một hành động cao cả và thiêng liêng của chị phụ nữ dân tộc - một người phụ nữ Việt Nam. Rất may, tôi đã thấy được bài bài báo:  “Chuyện cảm động về dòng sữa mẹ cứu chiến sĩ Tây Tiến”. Trong bài báo có đoạn rất quan trọng: 

“Đơn vị chúng tôi hành quân liên tục. Lúc ta đuổi giặc, lúc thì giặc đuổi ta. Một lần trên đường hành quân, cả tiểu đội tôi anh nào cũng đói lả. Anh bạn cùng tiểu đội gục xuống; chỉ vào túi ngực thều thào: Trần Kỳ, tớ không đi được nữa rồi, nhờ cậu chuyển giùm lá thư và nói cậu mợ là tớ luôn nhớ đến gia đình. Tôi cũng đói quá, chân tay bủn rủn chỉ biết động viên đồng đội cố lên mà nước mắt tuôn trào. Bỗng từ trên nương, một chị dân bản địu con, tay cầm dao đi rừng bước đến, nhìn qua chị biết ngay chuyện gì xảy ra.

Chị lặng lẽ tháo địu đặt đứa con xuống bên đường, ngồi nâng đầu anh bạn lên đùi và vạch bầu sữa. Anh bạn đang lịm đi được nhận những giọt sữa thấm vào môi dần tỉnh lại. Sau đó, người phụ nữ lặng lẽ địu con và bước nhanh về phía bản xa. May quá, sau đó anh nuôi cũng vừa tới, những gói cơm nắm muối vừng như thần dược. Tôi phải nhai cơm nắm mớm cho bạn. Sau này, anh bạn mình có dịp trở lại cố tìm ân nhân nhưng không thấy.”…

Ngồi trong phòng, đọc những dòng chữ này, tôi đã rơi nước mắt. Mặc, những cơn gió lạnh miền sơn cước cứ thổi thao thiết ngoài rừng, lòng tôi nóng bừng những cảm xúc. Tôi nghĩ, có lẽ trên trái đất này, hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam đã  trực tiếp cho bộ đội bú để sống lại, để tiếp tục chiến đấu thực sự LÀ HÌNH ẢNH ĐẸP NHẤT, TRÂN TRỌNG NHẤT VÀ THIÊNG LIÊNG NHẤT.

Cảm động, tự hào và trân quý đến vô cùng! Ngay đêm hôm đó, tôi đã đặt bút viết một mạch xong bài thơ: “GIỌT SỮA VIỆT NAM”(*) với những câu thơ đầy xúc cảm: “…Xin được ngợi ca ngàn lời tha thiết/ Xin nhớ mãi những tấm lòng dân Việt/ Với giọt sữa này - Giọt sữa Việt Nam!”.

Bài thơ đã được đưa lên trang FB “Nguyen Anh Tri” và đã nhận được những tình cảm quý mến từ gia đình FB về hành động cao đẹp và thiêng liêng của người Phụ nữ Việt Nam đối với bộ đội Cụ Hồ.

Như vậy: Qua bài báo này chúng ta biết thêm một hình ảnh thiêng liêng của tình quân dân vô cùng cao đẹp và có thể nói là “độc nhất vô nhị” trên trong thế giới này: HÌNH ẢNH NGƯỜI PHỤ NỮ TRỰC TIẾP CHO ANH CHIẾN SỸ TÂY TIẾN BÚ SỮA TỪ BẦU VÚ ĐANG NUÔI CON CỦA MÌNH, để rồi người chiến sỹ ấy vượt qua được cơn đói lả, cùng đơn vị đánh giặc.

Đây là giọt sữa cao quý của tình quân - dân, giọt sữa đánh giặc, giọt sữa Việt Nam!

(Còn nữa - Xin đón đọc Phần hai: KHÔNG THỂ NÀO QUÊN! VÀ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP QUÊN!)

 

Nguyễn Anh Trí

 

(*) GIỌT SỮA VIỆT NAM

                                                              Nguyễn Anh Trí

 

Giữa chập chùng rừng núi

Đoàn quân Tây Tiến

Băng qua ngàn vạn hiểm nguy

Sốt rét, đói cơm... chặn bước quân đi

Anh lính trẻ lịm dần bên tảng đá

Mắt hoa lên trong cơn đói lả

Đầu cuồng quay với ngàn vạn sao sa

Chập chờn, chập chờn bóng mẹ trời xa...

 

Bỗng một chị dân bản địu con

Từ trên nương bước tới

Không cần chi một lời kêu gọi

Tháo địu con thơ đặt xuống bên đường

Chị nhẹ ngồi

Mắt chan chứa tình thương

Nâng đầu người lính

Áp vào bầu vú trẻ

Vắt dòng sữa

Vào đôi môi đang khát khao nứt nẻ

Những giọt sữa tình dân

Thấm vào tâm can!

Xua đuổi đi những cận kề cái chết

Xua đuổi đi cơn đói lòng yếu mệt

Người lính tỉnh lại dần

Để rồi bước theo trùng điệp đoàn quân!

 

…Trong một đêm nơi miền Tây Bắc

Nghe câu chuyện xưa(1)

Lòng dâng trào cảm xúc

Hiểu đất nước mình có giọt sữa yêu thương

Thắm tình quân dân

Nuôi dưỡng nên một dân tộc ngoan cường

 

Xin được ngợi ca ngàn lời tha thiết

Xin nhớ mãi những tấm lòng dân Việt

Với giọt sữa này - Giọt sữa Việt Nam!

 

                                   10h45 tối 16/3/2018

 

Chú thích: (*) Đây là câu chuyện có thật  do Đại tá Trần Kỳ - chiến sĩ trung đoàn Tây Tiến kể lại.

Xin đọc “Chuyện cảm động về dòng sữa mẹ cứu chiến sỹ Tây Tiến”, Báo Văn hóa - Thể thao; Thứ Hai, 27/07/2015. https://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/chuyen-cam-dong-ve-dong-sua-me-cuu-chien-si-tay-tien-n20150727044726377.htm